Món gỏi cuốn dù xuất hiện ở nơi cao sang hay bình dân đều không mất đi nét đặc trưng vốn có của nó. Hình dung ngay đến cuốn bánh tráng mỏng, bên trong là rau thơm, bún, tôm, thịt. Món gỏi này đòi hỏi khéo tay khi cuốn, cuốn chắc tay, gọn ghẽ; có vài cọng hẹ sống xanh ló ra ngoài trông nó có… sức sống.

Gỏi cuốn ngon, trước hết phải có nguyên liệu tươi, nhưng phần nước chấm lại là yếu tố quyết định ngon hay không.

Khó có thể thống kê được ở Việt Nam có bao nhiêu món cuốn và mỗi món dùng loại nước chấm nào. Nhưng món gỏi cuốn tôm thịt có xuất xứ từ miền Nam được vinh dự có mặt trong bảng xếp hạng thường được chấm với tương.

goi-cuon-nam-bo

Pha chế tương chấm gỏi cuốn là cả một nghệ thuật không phải ai cũng biết. Tương làm bằng đậu nành nguyên hột có màu nâu sẫm được xay hoặc cà nhuyễn, pha phối thêm với các loại gia vị tạo hương như tỏi, ớt và nêm lại cho vừa ăn.

Ở miền Tây, đa số tương chấm gỏi cuốn thường có thêm nước cốt dừa để tạo độ béo nhưng một số người không quen với vị này.

Bà Hương, bán gỏi cuốn tại khu vực quận 11 tiết lộ bí quyết pha tương riêng của mình: “Lấy nước hầm xương lúc còn âm ấm pha vào tương sẽ thơm ngọt đậm đà hơn”.

Có người còn cho chút cháo nếp pha chung với tương để có độ sánh hơn. Múc tương ra cho thêm đồ chua, đậu phộng và chút ớt băm lên mặt, vậy là đủ để chấm.

Theo dinh dưỡng, gỏi cuốn cung cấp các chất như đạm từ tôm, thịt, vitamin và chất xơ từ rau, tinh bột từ bún… Còn theo thực khách thì đây là món ăn gọn nhẹ, mang đầy đủ hương vị trong một cuốn. Ngon nhất, vừa cuốn vừa ăn, xong cái nào ăn ngay cuốn đó, chứ gỏi cuốn sẵn thì tiện mà sẽ không ngon cho bằng…

Leave a Reply

Your email address will not be published.

*